Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

LÁ THƯ GỬI VUA CỦA NƯỚC VIỆT





NHỮNG BỨC THƯ TỪ ĐÁY LÒNG

Chỉ là đề tựa của Mây Hồng vì trong mỗi bức thư của chị Đỗ Thị Anh Thư, nguyên Kế toán trưởng Ban Quản lý dự án ĐTXD Đại Học Quốc gia Hà Nội đã là một câu chuyện kể của những tấm lòng và Mây Hồng muốn giữ nguyên bản gốc và trân trọng đối với tác giả.





TÂM THƯ
CỦA MỘT ĐẢNG VIÊN THEO TIẾNG GỌI CỦA NGHỊ QUYẾT TW 4
   

Kính thưa Chủ tịch Nước!
Trước tiên tôi xin gửi lời chúc tới Chủ tịch Nước và toàn thể gia đình của Đồng chí luôn có sức khỏe bình an, vạn sự như ý và hạnh phúc. Lời chúc cho một hậu phương vững mạnh để ở nơi đỉnh cao với nhiều phong ba, bão táp, Chủ tịch nước- Người đứng đầu Quốc gia- luôn yên tâm, tập trung tinh thần và nhiệt huyết để đưa đất nước Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách và đi tới thành công.

Tôi xin tự giới thiệu, tôi là Đỗ Thị Anh Thư, sinh ngày 26/5/1972, tôi là một đảng viên, một cán bộ công chức, Kế toán trưởng Ban QLDA ĐTXD ĐHQGHN tại Hòa Lạc- Bộ Xây dựng tính đến ngày 16/7/2012 ( tức là hiện nay tôi nguyên là Kế toán trưởng).

Tôi rất tự hào vì mảnh đất quê hương tôi là vùng núi Sóc Sơn, Hà Nội- nơi gắn liền với truyền thuyết Thánh Gióng, một trong bốn vị thánh của Tứ bất tử trong dân gian Việt Nam. Trên đỉnh cao nhất của ngọn núi Đá Chồng, được vinh danh với hình ảnh tượng đài Thánh Gióng – Công trình tâm linh chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội- Công trình được xây dựng dưới sự chủ trì của Thượng tọa Thích Thanh Quyết, với nguồn kinh phí bằng sự phát tâm công đức của các phật tử. Nơi mảnh đất địa linh nhân kiệt của quê hương, tôi đã được tiếp thêm sức mạnh của tinh thần và ý chí để sống hướng thiện, tâm đức và có ích.

Còn về bản thân tôi, tôi tự hào nhất với tên gọi của mình. Chỉ đơn giản là hai chữ “Anh Thư” nhưng nó thể hiện đến tột cùng khát khao, mong muốn, sự kỳ vọng mà cha mẹ tôi đã gửi gắm vào con gái của mình. Theo từ điển Việt Nam và tra cứu khác “ Anh Thư” có 2 nghĩa. Một nghĩa là: anh hùng nữ nhi. Một nghĩa là: người con gái đẹp và tài giỏi.

Thực tế thì tôi không đẹp và không xứng như tên gọi của mình đâu, nhưng tôi rất biết ơn cha mẹ vì đã đặt cho tôi một cái tên thật ý nghĩa- quà tặng mà ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời tôi đã được nhận từ cha mẹ mình, với đầy ẩn ý và sâu sắc. Chỉ là một cái tên, nhưng cha mẹ đã trao tặng tôi cả một tấm gương lớn, để lúc nào tôi cũng phải soi vào đó mà nỗ lực và cố gắng. Tấm gương ấy luôn là lời nhắc nhở tôi, hãy hoàn thiện bản thân để xứng đáng với tên gọi của mình, đó còn là cách thể hiện tấm lòng của người con có hiếu với cha mẹ.

Hôm nay, bỗng dưng tôi thấy mình rất lạ, cảm giác như có tiếng gọi sâu thẳm từ rất xa vọng về, văng vẳng như tiếng gọi của hồn thiêng sống núi, giống như sự thôi thúc, nhắc nhở tôi cần phải làm một việc gì đó… Và tôi đã đến bên bàn, viết nên tâm sự của lòng mình trong bức Tâm thư này bằng tinh thần của một đảng viên theo tiếng gọi Nghị quyết Trung ương 4 ( Khóa XI), bằng ý thức trách nhiệm của một công dân đối với sự nghiệp chung của đất nước.

Kính thưa Chủ tịch nước!
Cá nhân tôi, dù đứng trên góc độ của một đảng viên hay là một công dân luôn mong ước cho đất nước Việt Nam có một tương lai tươi sáng và rạng rõ, tôi đã rất vui mừng khi Ban chấp hành Trung ương Khóa XI đã kịp thời có Nghị quyết TW 4 về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay và thống nhất quán triệt trong toàn đảng, phổ biến và tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân.

Cảm giác của một người đảng viên như tôi khó tả lắm! Vui thật nhiều như một người bộ hành đang đơn độc trên hành trình của mình, đã nhìn ra và tìm thấy một con đường và cái đích nên đến, nhưng đi mãi đi mãi vẫn chỉ thấy một mình. Rồi thì chần chừ, do dự không biết con đường mình chọn có đúng không? Có nên đi tiếp hay không? Hay phải quay đầu lại để đi theo con đường mà nhiều người vẫn đang đi? Giờ thì có thêm người cùng đồng hành, không chỉ 1, rồi 2, rồi 3,….mà cả một dòng người và biển người. Ồ, hóa ra mình đã lựa chọn đúng và vẫn đi đúng một con đường mà mình đã chọn. Nhưng không còn tìm thấy niềm vui vì sự sáng suốt lựa chọn của mình (lẽ ra đây mới là điều đáng tự hào nhất) mà chỉ tìm thấy niềm vui vì may mắn đã không bỏ cuộc. Nhưng đó chỉ là tâm trạng của người bộ hành đơn độc đã lâu. Còn có những người mới đi và sẽ chuẩn bị bước đi, một con đường đúng đắn được mở ra như giang tay đón chào họ bước tới. Thật quá may mắn! Bởi vì cuộc sống luôn như vậy, lớp lớp người lại kế tiếp nhau, có người già đi và trẻ em lại lớn lên. Và những điều tốt đẹp được đem đến, sẽ không bao giờ vô nghĩa và không bao giờ là quá muộn.

Tôi cho rằng, mỗi con người chúng ta, không phải ai cũng biết đến khả năng của mình, có những khả năng để làm cho chúng ta thành công, có những khả năng mang đến cho chúng ta hạnh phúc, rồi cả những khả năng làm cho ta được đủ đầy vật chất và sung sướng,….và thậm chí, đôi khi chỉ đơn giản là khả năng về sức chịu đựng bền bỉ. Và tôi nhận thấy rằng, khả năng của con người là rất lớn và tiềm tàng, nhưng không phải lúc nào cũng phát hiện ra và khơi thông nó. Ngay trong mỗi chúng ta cũng không thể biết được khả năng của mình. Nhưng nếu có một động lực, có một mục tiêu và phương pháp thì chúng ta có thể biến khả năng đó thành hiện thực và nếu tài tình hơn thì có thể biến khả năng đó thành sức mạnh phi thường. Và thế là, chúng ta thấy: chúng ta rất mạnh mẽ, không gì có thể ngăn bước tiến của chúng ta về phía trước.

Chắc Chủ tịch Nước sẽ rất buồn cười vì những ví von của tôi trên đây? Ngay đến chính tôi cũng đang mỉm cười khi viết tới những dòng này. Nhưng Chủ tịch Nước có biết không, khi có những nụ cười là chúng ta đang có sức mạnh đấy! Và sức mạnh sẽ được nhân lên cùng với bội số của những nụ cười. Có gì hạnh phúc hơn ở một đất nước mà người dân đi đâu cũng thấy vui cười, hơn hở. Mặc dù trong cuộc sống, mỗi người sẽ còn có những nỗi buồn riêng, còn có những cuộc chia ly và nước mắt, còn có những cảnh đời khốn khổ, những bệnh tật và ốm đau, sự sống và cái chết…Nhưng vẫn ý nghĩa lắm chứ, nếu những người đang phải buồn khổ mà được mang đến những niềm vui thì chắc chắn nỗi buồn cũng sẽ vơi đi. Và đó chính là quan niệm của tôi trong cuộc sống, đó là bí quyết nho nhỏ của tôi mà giúp cho tôi luôn lạc quan, hy vọng và luôn tin rằng: tất cả mọi việc sẽ tốt đẹp nếu mình biết nỗ lực và cố gắng.

Kính thưa Chủ tịch Nước!
Tất cả những điều tôi viết ra, tôi vẫn không nghĩ là mình nên viết như vậy. Nhưng tôi thấy như vậy cũng tự nhiên, nó là suy nghĩ và cảm xúc rất thật. Vì dù nói lạc đề hay rất vu vơ, thì Chủ tịch sẽ nhận ra tôi là người phụ nữ luôn hướng thiện và có trách nhiệm. Cũng giống như những người phụ nữ khác, bản chất của chúng tôi là yếu đuối. Chẳng thế mà đàn ông sau khi chọn cho mình một cụm từ ngắn gọn đặc trưng về giới tính là “ phái mạnh”, cũng không gọi chị em là “ phái yếu” mà ưu ái dành cho một cụm từ rất làm vừa lòng chị em đó là “phái đẹp”.  Và với sự vinh danh đó, mỗi phụ nữ chúng tôi thấy mình luôn mang trọng trách, luôn có ý thức để làm những điều thật ý nghĩa để tô đẹp thêm cho cuộc đời.

Kính thưa Chủ tịch nước!
Tôi cho rằng những hồi chuông cảnh báo mà Nghị quyết TW 4 đã gióng lên rất kịp thời, đúng thời điểm mà chúng ta thấy không thể chậm trễ hơn được nữa. Giống như một người bị bệnh, không thể để đến lúc hấp hối thì mới cấp cứu. Và những căn bệnh trầm kha, những khuyết điểm, tồn tại, vi phạm của một bộ phận cán bộ đảng viên đã được Nghị quyết chỉ ra rất chính xác. Sự thoái hóa, biến chất đó, làm cho Đảng của chúng ta yếu đi, làm giảm nhiệt huyết cách mạng và nguy hại hơn vì nó làm giảm niềm tin của nhân dân, nguy cơ dẫn đến sư tồn vong của chế độ.

Là một đảng viên trong một đơn vị đảng cơ sở, chúng tôi thấy mình gần gũi với thực tế hơn cả. Rồi nhìn rộng ra xung quanh, xa và xa hơn nữa, tôi vẫn thấy những vi phạm này chỉ có ở một bộ phận rất nhỏ là đảng viên. Bởi vì chúng ta dù là ai, thì trước hết cũng là một con người bình thường. Con người đó có những khát khao và mưu cầu cuộc sống đơn giản như tất cả mọi người. Chúng ta yêu cuộc sống và hiểu biết pháp luật, nên chỉ rất ít người vì thiếu hiểu biết, hay lại thừa can đảm để dám làm liều, dám vi phạm pháp luật để rồi bị pháp luật xử lý. Còn mỗi đảng viên chúng ta, hơn hẳn những con người bình thường bởi ý chí và nhiệt huyết, chúng ta còn có tinh thần, trách nhiệm, có danh dự và lòng tự trọng nên không thể bán rẻ nó. Vậy nên dù Đảng của chúng ta đã phải xót xa vì có nhiều đảng viên vi phạm pháp luật thì trên thực tế đó vẫn chỉ là cá biệt. Và việc ngày càng có nhiều vi phạm bị phát hiện, nhiều vụ án bị khởi tố, bị đưa ra xét xử thì chúng ta đừng nhìn dưới góc độ là các vi phạm đang tăng lên, mà hãy nhìn dưới góc độ là chúng ta ngày càng dám nhìn thẳng vào sự thật và không che dấu.

Kính thưa Chủ tịch nước!
Những tâm sự trên đây là những suy nghĩ rất thật và chân thành nhất của tôi. Đó là cách tôi giới thiệu về mình và mong muốn khắc họa về hình ảnh của tôi, không theo một cách thông thường, để Chủ tịch nước hiểu được con người tôi với một ý nghĩa đầy đủ và sâu xa nhất.

Trước khi quyết định viết bức thư này gửi đến Chủ tịch Nước, tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều. Câu chuyện mà tôi mang đến chỉ xoay quanh việc thực hiện Dự án ĐTXD Đại học Quốc gia Hà Nội, xoay quanh công tác tổ chức cán bộ, nhân sự tại Ban Quản lý dự án. Nhưng tôi tin tầm ảnh hưởng của sự việc này sẽ là hiệu ứng tác động rất lớn đến dư luận xã hội mà nếu để so sánh, tự dưng tôi thấy mình thật bé nhỏ. Và khi thấy mình thật bé nhỏ thì tôi thấy cần tìm đến một sự ủng hộ thật lớn lao. Vì vậy mà tôi đã tìm đến Chủ tịch Nước- Người đứng đầu Quốc gia - Người mà tôi luôn tin tưởng bằng sự lãnh đạo tài tình, sự công tâm và tinh thần trách nhiệm cao cả, sẽ mang đến một bước ngoặt lịch sử, đưa đất nước Việt Nam lên một tầm cao mới, một vị thế mới, bền vững và hướng tới tương lai. Tôi đã tìm đến Chủ tịch nước với một niềm tin vững chắc rằng, dù có bận rộn trăm công nghìn việc thì Chủ tịch sẽ quan tâm đến câu chuyện của tôi, một câu chuyện về đạo đức và cái tâm của người cán bộ lãnh đạo.
Và đây là toàn bộ câu chuyện mà tôi muốn kể:
Tôi sẽ không bao giờ lý giải được, cái cơ duyên mang tôi đến với dự án ĐTXD ĐHQGHN tại Hòa Lạc để tôi luôn có mặt vào những thời khắc chuyển biến và các sự kiện ngay từ những ngày đầu tiên dự án về với Bộ Xây dựng.

Tôi còn nhớ như in những ngày cuối tháng 10/2008. Khi còn là chuyên viên của Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Xây dựng), đang dở chuyến công tác tại TP Hồ Chí Minh, tôi đã được Lãnh đạo Vụ triệu tập về gấp để tham gia Tổ công tác chuẩn bị tiếp nhận bàn giao dự án ĐTXD Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc về cho Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư theo Quyết định số 1404/QĐ-TTg ngày 30/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian mà Tổ công tác của chúng tôi đến làm việc tại dự án ở Hòa Lạc đúng vào những ngày mà Hà Nội đón nhận trận ngập lụt lịch sử năm 2008. Sau này, khi Dự án không thể triển khai được, tôi mới hiểu tại sao ngày ấy chúng tôi đã đến với Dự án trong mưa gió, bão bùng và mênh mông biển nước như thế….

Cảm giác ngỡ ngàng khi lần đầu tiên đến dự án giờ vẫn còn nguyên vẹn trong tôi. Chúng tôi đều nghĩ sẽ đến một công trường thi công sôi nổi vì ai cũng biết ĐHQGHN triển khai dự án đã lâu, 13 năm kể từ ngày được giao Nông trường 1A, 6 năm kể từ ngày thành lập Ban Quản lý dự án. Thế nhưng cái mà chúng tôi thấy là một vùng rừng núi âm u, cây cối um tùm, hoang vắng; không có bóng dáng của công trình hay công việc thi công xây dựng dở dang. Một cảm giác về một miền đất lạnh lẽo, không có hơi ấm của con người.

Công tác chuẩn bị với thời gian rất gấp gáp, nhưng rồi cũng hoàn thành và ngày 20/11/2008, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội và Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký Biên bản chuyển chủ đầu tư để Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai dự án. Sau lễ bàn giao, các CBVC-LĐ của 5 đơn vị từ ĐHQGHN tập trung về làm việc tại Hòa Lạc để chờ Bộ Xây dựng thành lập Ban QLDA mới.

Vào một ngày giữa tháng 12/2008, tôi lại được lãnh đạo Vụ phân công lên Hòa Lạc để dự buổi công bố các quyết định tổ chức, nhân sự đối với dự án, trong đó có việc thành lập Ban QLDA của Bộ Xây dựng từ 5 đơn vị; các quyết định tiếp nhận toàn bộ 95 CBVC-LĐ của ĐHQGHN sang Bộ Xây dựng, quyết định bổ nhiệm Giám đốc Ban QLDA kể từ ngày 1/1/2009.

Trên chiếc xe 16 chỗ ngồi, chúng tôi cười nói vui vẻ, chúc mừng Đ/c Hoàng Vĩnh Thắng- Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý hoạt động xây dựng được bổ nhiệm làm Giám đốc Ban QLDA. Cùng trong câu chuyện này, bỗng nhiên đồng chí Thắng nói: hay Anh sẽ đề xuất Bộ xin em Thư về làm Kế toán trưởng giúp cho mình. Tôi chẳng kịp suy nghĩ gì đã chối đây đẩy: em không đi xa được đâu vì con em còn nhỏ, công việc ở dự án này phức tạp lắm, nên lấy Kế toán trưởng là nam giới. Với lại Anh chỉ còn có 8 tháng là nghỉ hưu, em đi theo giúp Anh thì thành “ mang con bỏ chợ” à? Tôi cũng nghĩ chỉ là những lời nói đùa vui, còn tôi thì đã khéo léo, tranh thủ thể hiện được “chính kiến” của mình ( vì trên xe có các cán bộ Lãnh đạo của Vụ Tổ chức Cán bộ).

Ngày 16/1/2009, tôi đã được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân bổ nhiệm về làm Kế toán trưởng của Dự án. Sau gần một tháng kiên quyết khước từ “ mọi cơ hội thăng tiến”, tôi đã chấp thuận khi Đồng chí Đỗ Đức Duy, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ nói: Thư à, sang năm mới rồi hãy làm mới mình đi! Có rất nhiều ứng cử viên cho vị trí này, nhưng Bộ đã chọn em. Ở dưới Ban QLDA đến giờ chưa có Kế toán trưởng nên anh em hai tháng rồi chưa có lương. Nếu về Bộ Xây dựng mà vậy thì mang tiếng quá! Em hãy đồng ý nhé!

Và thế là tôi đã đến Dự án với một suy nghĩ nơi đó đang cần tôi, 95 CBVC-LĐ của Dự án đang trông chờ tôi đến thì mới được lĩnh lương, nguồn thu nhập tối thiểu để ổn định cuộc sống của một gia đình. Không ai biết rằng tôi đã đến với Dự án đơn giản vì muốn giúp đỡ mọi người và như một sự đền ơn đối với Bộ Xây dựng. Bởi vì khi ấy chỉ có tôi biết và linh cảm rằng, không có tương lai tươi sáng, hay may mắn nào đón chờ ở phía trước; tôi đang bước vào con đường đầy chông gai, khó khăn vất vả và không lối thoát.

Có lẽ bây giờ tôi nên nói về cái lý do khiến tôi từ chối khi được bổ nhiệm làm Kế toán trưởng của dự án. Tôi không biết thực sự là điều gì, chỉ biết rằng có một nỗi sợ ám ảnh, có lúc rất rõ ràng, có lúc rất mơ hồ. Cảm nhận mà tôi đã có trong những ngày làm việc tại Hòa Lạc để phục vụ việc bàn giao hai chủ đầu tư.

Tôi rất sợ hình ảnh một tòa nhà như một lâu đài hoang, mọc lên giữa um tùm cây cối, sợ cái cảm giác ớn lạnh sống lưng khi bước chân vào đây.

Tôi sợ cái cách mà người ta sống thiếu tình người và trách nhiệm đến thế khi chỉ có một mình đ/c Giám đốc Nguyễn Hoài Nam (người được Giám đốc ĐHQGHN bổ nhiệm từ nơi khác chuyển về khoảng 2 tháng thì dự án bàn giao về Bộ Xây dựng) là người “độc diễn” từ khâu tiếp đón, cung cấp số liệu, kể cả đi photocopy,…cho chúng tôi. Không có bất cứ cán bộ phòng ban cấp dưới nào hỗ trợ. Hình ảnh ấy cho tôi thấy cách mà mọi người ở đây ứng xử với một người không được họ chào đón, dù đó là người Thủ trưởng.

 Tôi quá sợ cái cách quản lý tài chính ở nơi đây, khi mà chứng từ kế toán không tìm thấy, theo dõi chi tiết cũng không, sổ kế toán cũng không, báo cáo tài chính không,…để rồi chúng tôi đành phải chấp nhận lấy số liệu theo bảng đối chiếu thanh toán vốn đầu tư tại Kho bạc, với vài chỉ tiêu tài chính hết sức sơ sài cho kịp ngày bàn giao.

Tôi quá sợ “cái mớ bòng bong” những công việc dở dang mà ĐHQGHN đã để lại, vì kinh nghiệm cho biết rằng, Bộ Xây dựng phải mất rất nhiều thời gian mới có thể tiếp tục thực hiện dự án, xử lý xong những thứ tồn đọng đó.

Tôi sợ hình ảnh dự án ngập chìm trong biển nước trắng xóa. Cái ngày mà chúng tôi thật vất vả mới đến được Hòa Lạc vì phải đi đường vòng qua Xuân Mai, tránh các điểm ngập lụt sâu, nhưng sau đó lại phải quay về theo đường cũ vì không gặp được ai, không ai đi làm. Nó như một điềm gở báo trước….

Và tất cả những nỗi sợ đấy sau này cũng chính là nguyên nhân sâu xa mà Bộ Xây dựng không thành công trong chỉ đạo thực hiện dự án, là nguyên nhân mà tròn 3 năm rưỡi làm chủ đầu tư, Bộ Xây dựng đã phải thay tới 5 Giám đốc:
Người thứ nhất  là Giám đốc Hoàng Vĩnh Thắng, có thời gian giữ chức vụ là 8 tháng 16 ngày (từ 1/1/2009 đến 16/8/2009) thì đến tuổi nghỉ hưu.
Người thứ hai là Giám đốc Bùi Đức Hưng, có thời gian giữ chức vụ Giám đốc là 14 tháng 20 ngày ( từ 1/8/2009 đến 26/10/2010) và chuyển đi nơi khác vì bị kỷ luật với hình thức “ khiển trách”, làm Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Xây dựng.
Người thứ ba là Giám đốc Nguyễn Thành Đăng, có thời gian giữ chức vụ Giám đốc là 100 ngày (từ 26/10/2010-20/7/2011 là Phó Giám đốc Phụ trách, từ 20/7/2011 đến 1/11/2011 là Giám đốc) do không hoàn thành nhiệm vụ, thi công tuyến đường 11 để xảy ra sai phạm và chuyển đi nơi khác, làm Phó Giám đốc Ban QLDA ĐTXD nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới).
Người thứ tư là Q.Giám đốc Nguyễn Văn Dần, có thời gian giữ chức là 8 tháng 10 ngày ( từ 1/11/2011 đến 10/7/2012) và được điều động về làm Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý hoạt động xây dựng, người đã dám nhìn thẳng vào sư thật, đã phát hiện ra những sai phạm trong chỉ đạo thực hiện dự án, giúp cho Bộ Xây dựng hạn chế được tổn thất và thiệt hại về kinh tế, nhất là đối với nguồn vốn NSNN. Lý do bị điều động là để Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh (người đã trực tiếp chỉ đạo dự án ngay từ khi về Bộ Xây dựng đến nay) xuống kiêm nhiệm Giám đốc Ban QLDA theo đề xuất của Thứ trưởng.
Người thứ năm là Thứ trưởng, tạm thời kiêm nhiệm Giám đốc Ban QLDA Bùi Phạm Khánh từ ngày 10/7/2012 đến nay.

Còn tôi, Kế toán trưởng Đỗ Thị Anh Thư, sau khi chứng kiến sự thay thế liên tục của 5 Giám đốc, tôi cũng phải rời khỏi dự án, với một lý do như thế này: Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh chỉ xuống kiêm nhiệm Giám đốc Ban QLDA với một điều kiện phải thay Kế toán trưởng cho cùng “ê kíp”.

Việc chỉ đạo dự án không thành công, liên tục thay đổi Giám đốc làm cho Bộ Xây dựng không thể triển khai được dự án, chưa nói đến việc phải đẩy nhanh tiến độ. Nhưng nghịch lý là người trực tiếp chỉ đạo Dự án là Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh ( vì Ban QLDA chỉ là đơn vị giúp việc chủ đầu tư là Bộ Xây dựng) và người đề xuất nhiều lần thay đổi Giám đốc, trong đó có cả những Giám đốc vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật vẫn là Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ đã không nhận thấy trách nhiệm của mình mà luôn đổ tội cho các Giám đốc, còn đổ quàng vào tôi là Kế toán trưởng của Ban QLDA.

Nghịch lý nữa là trong khi Bộ Xây dựng phải xử lý, thay đổi rất nhiều Giám đốc (đều là người của Bộ Xây dựng điều động về) thì các cán bộ chủ chốt từ Trưởng, Phó Phòng chức năng và Phó Giám đốc Ban của ĐHQGHN trước đây chuyển sang đều vẫn yên vị. Mà ở ban QLDA, họ mới chính là những nhân tố đưa đẩy các Giám đốc của Bộ Xây dựng đến kết cục thất bại. Lần nào tôi cũng thấy sự hân hoan, niềm vui của họ mỗi khi một Giám đốc của Bộ Xây dựng phải ra đi. Rồi cách mà họ ăn mừng với sự hả hê, đắc thắng. Cách mà họ rũ bỏ, quay lưng lại với người cũ và háo hức với người mới. Lần nào cũng như lần nào, lập đi và lập lại... Nó như là là một phần kết đã được “ đo ni đóng giầy” của một vở kịch, trong tay một đạo diễn duy nhất với một “mô tuýp” sở trường.

Tôi không biết vì sao mà trong từng ấy thời gian, ĐHQGHN chưa bao giờ dừng lại cái ý định mong muốn Dự án được chuyển lại chủ đầu tư. Đến nỗi mà trong Lễ khởi công tuyến đường 11 vào ngày 20/7/2011, trước khi phát lệnh khởi công, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã phải “ nhắc nhở” ĐHQGHN hãy tập trung vào công tác giảng dạy, đừng nghĩ đến việc Chính phủ sẽ chuyển lại chủ đầu tư , mà hãy phối hợp tốt với Bộ Xây dựng để triển khai dự án.

Lại nói đến tuyến đường số 11- hạng mục công trình đầu tiên được khởi công xây dựng mới kể từ ngày Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư. Tuyến đường này đã được Ban QLDA cũ của ĐHQGHN tổ chức đấu thầu 2 lần đều không thành. Thế nhưng các cán bộ cũ của ĐHQGNHN lại tham mưu cho Giám đốc của Ban QLDA lựa chọn thực hiện và sử dụng thiết kế bản vẽ thi công đã được ĐHQGHN trước đây phê duyệt năm 2007, mặc dù biết rằng như vậy là sai quy định về trình tự đầu tư. Rồi cũng chẳng hiểu tại sao, mặc dù biết không thể thực hiện theo thiết kế bản vẽ thi công cũ vì thời điểm đó Bộ Xây dựng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2000, nhưng Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh lại ký chấp thuận chủ trương, sau đó phê duyệt kế hoạch đấu thầu căn cứ Quyết định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công của ĐHQGHN để Ban QLDA thực hiện.

Có lẽ những sự việc cố ý làm sai, “ xui” người ta làm sai, “ bẫy” người ta làm sai sẽ chẳng bao giờ được đưa ra ánh sáng nếu Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng không ký quyết định giao nhiệm vụ cho Đ/c Nguyễn Văn Dần làm Q. Giám đốc Ban QLDA, người sau này đã phát hiện ra rất nhiều vấn đề vướng mắc, vi phạm, trong đó có việc thi công tuyến đường 11, buộc Thứ trưởng Khánh phải có ý kiến chỉ đạo dừng thi công để thiết kế lại. Rồi cũng không hiều vì lẽ gì mà ngay sau đó các báo cáo của đơn vị tư vấn ( VIAP, VNCC) gửi cho Thứ trưởng Khánh đã phủ nhận lại ý kiến của chính họ trước đó gửi cho Ban QLDA; cùng với báo cáo của các Vụ chức năng đã khẳng định Thứ trưởng Khánh chỉ đạo không sai, các nội dung báo cáo của Q. Giám đốc Nguyễn Văn Dần là không đúng. Rồi đang từ vị thế của người biết chuyên môn, dám nói thẳng, nói thật về những nguyên nhân mà Dự án không triển khai được, bỗng chốc Q. Giám đốc Dần bị chuyển sang vị trí của người không am hiểu, thiếu kiến thức chuyên môn, phát ngôn không chính xác làm ảnh hưởng uy tín của các Thứ trưởng. Sau đó thì Q.Giám đốc Dần bị bủa vây, bị cô lập, bị tạo dư luận rộng khắp, bị tung tin là người gây mâu thuẫn, chia rẽ Lãnh đạo bộ, phá hoại uy tín của Bộ Xây dựng. Và bài học nhận được là các văn bản trình đề xuất thực hiện dự án, kiện toàn tổ chức nhân sự, giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án… đều bị “ đắp chiếu” không trả lời, không có ý kiến chấp thuận, làm cho Ban QLDA không  triển khai được bất cứ việc gì. Trong sự việc này còn có sự ủng hộ của ĐHQGHN, của Phó Giám đốc Phùng Xuân Nhạ, người đã ký báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện dự án 3 năm kể từ khi chuyển chủ đầu tư với những nhận xét, đánh giá về Giám đốc của Ban QLDA rất tùy tiện và sai lệch.

Sau tất cả những “ mưu sách” đó, một kết cục tất yếu đã được lập trình sẵn, cho một ngày ra đi của Q. Giám đốc- người dám đi ngược lại mục đích của “ số đông”, dám chống lại thế lực của các Thứ trưởng và các Vụ chức năng -với “truyền thống” gắn bó khăng khít lâu dài- dám làm những việc mà từ trước đến nay ai cũng biết là phải làm nhưng không ai dám làm.

Lẽ ra mọi việc đã được bưng bít kín mít, không ai có thể tìm đến chân tướng của sự thật, không gì có thể minh oan được cho Q. Giám đốc Nguyễn Văn Dần nếu như không có cái ngày định mệnh đó….
Vào khoảng 9h sáng ngày 17/3/2012, trên đoạn suối cắt ngang tuyến đường 11 đã dừng thi công, hai cháu bé Lê Quân Anh và Đỗ Công Vinh đều ở thôn 7, xã Thạc,h Hòa Huyện Thạch Thất, Hà Nội đã bị chết đuối.

Nơi các cháu bé chết đuối, chính là tuyến suối Vai Nghiêng. Một tuyến suối rất hiện hữu trên thực địa với dòng chảy ổn định, nhưng lại lúc ẩn, lúc hiện trên các đồ án quy hoạch và bản vẽ thiết kế. Một tuyến suối được thấy rõ trên bản vẽ Quy hoạch chung tỷ lệ 1/5000, nhưng lại không thấy trên bản vẽ Quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2000. Cũng rất kỳ lạ là kết quả của 2 chủ đầu tư đều giống nhau, trong cả hai đồ án Quy hoạch chung do hai chủ đầu tư phê duyệt đều có tuyến suối này,  nhưng trong hai đồ án Quy hoạch chi tiết 1/2000 do hai chủ đầu tư phê duyệt đều không có tuyến suối này. Một tuyến suối mà một người bình thường cũng nhận ra, nhưng các nhà thiết kế và phê duyệt thiết kế lại không nhìn thấy. Vì vậy mà bản vẽ thiết kế thi công được ĐHQGHN phê duyệt năm 2007, sau đó được Thứ trưởng Khánh cho sử dụng để thực hiện thi công đã không có giải pháp cầu, hay cống cho nước chảy qua khi tuyến đường 11 cắt ngang nó. Hậu quả đã gây ra tụ thủy, tạo thành hố nước sâu, nơi hai bé sảy chân và chết đuối.

 Kính thưa Chủ tịch Nước
Nếu nhìn tấm hình chụp hai bé đẹp đẽ, hồn nhiên như những thiên thần thì tôi tin- cũng như tôi- Chủ tịch sẽ rơi nước mắt. Hai bé đều bằng tuổi nhau, mới hơn 5 tuổi, vậy mà đã phải từ giã cõi đời thật oan uổng. Lúc nghe tin hai bé đuối nước, tôi đang ở xa cách Hà Nội hai trăm cây số nhưng phải gác lại tất cả để về Hòa Lạc ngay. Khi tôi đến nơi thì gia đình đã đưa linh cữu của hai cháu đi an táng nên tôi đã tìm vào nhà để thắp hương ở bàn thờ cho các bé. Tôi chỉ có thể vào nhà một bé, vì một bé đã được gia đình đưa về quê.

Trên bàn thờ lập vội vàng của gia đình, tôi thắp hương cho bé Lê Quân Anh mà bật khóc nức nở. Tôi đã khóc như vừa mất đi người thân của chính mình. Cha mẹ bé đang vật vã với nỗi đau mất con, vật vã với sự dằn vặt, ân hận vì không để mắt tới các cháu. Còn tôi, tôi đang rơi nước mắt vì họ, xót thương cảnh sống trong những ngôi nhà lụp xụp, tạm bợ (đã được bồi thường GPMB nhưng chưa được bố trí tái định cư), nỗi đau của sự day dứt và ám ảnh, khi mọi việc đã được phát hiện, đã được lường trước hậu quả, vậy mà chúng tôi vẫn không làm gì được, không ngăn cản được để phải chứng kiến sự việc đau lòng này. Cái giá phải trả cho những con người vô cảm, vô trách nhiệm thật là đắng ngắt!

Những ngày sau đó, chúng tôi đến thăm hỏi và thắp hương cho các bé. Chúng tôi còn tham dự lễ cầu siêu, bắc cầu rước vong cho các bé ( theo phong tục địa phương, gia đình phải mời Thầy cúng lập đàn cầu siêu và làm lễ để đưa vong linh người chết đuối lên khỏi mặt nước thì mới về nhập mộ được),…
Sau này, những việc tôi chăm chút cho vong linh của các bé còn bị một số người xấu thêu dệt, xuyên tạc, nhưng những gì cần phải làm cho các bé, tôi vẫn làm.

Kính thưa Chủ tịch Nước!
Có 2 sinh linh bé bỏng không còn tồn tại ở trên đời. Các bé đã ra đi vào một ngày, sau gần 4 tháng kể từ ngày mà Q. Giám đốc Nguyễn Văn Dần phát hiện ra những sai sót của tuyến đường 11 với thiết kế không phù hợp với quy hoạch, chặn dòng chảy của suối Vai Nghiêng và báo cáo Thứ trưởng Khánh (từ tháng 11/2011). Nếu ngay lúc đó những người có trách nhiệm dám nhìn thẳng vào sự thật để mà khắc phục thì biết đâu các bé….

Các bé đã không tự tìm đến cái chết. Đó là một sự hy sinh vì một mục đích cao cả mà các bé đang phụng sự. Đúng là cái chết của hai bé đã tác động rất lớn đối với tôi. Tôi thấy mình có lỗi nếu để sự hy sinh của các bé trở thành vô ích. Đến giờ hai bé đã ở một phương trời rất xa, chẳng bao giờ có thể nói lên tiếng nói bảo vệ mình. Thì còn có tôi, tôi sẽ giúp cho các bé làm việc ấy.

Kính thưa Chủ tịch Nước!
Tôi vừa vẽ lại một bức tranh phác họa những mảng tối sáng ở Ban QLDA, trong đó có câu chuyện buồn với cái chết thương tâm của hai cháu bé. Trong bức tranh tả thực này, tôi luôn là trung tâm, luôn được gắn với sự tồn tại của mỗi Giám đốc. Cứ như tôi là nguyên nhân dẫn đến thành công hay thất bại của họ. Đã có cả một thời gian dài, tôi thấy mình luôn trầm uất, bao nhiêu thị phi, bịa đặt, vu khống cứ đổ ập xuống đầu tôi. Thậm chí thời của Giám đốc Bùi Đức Hưng còn ký văn bản tố cáo tôi giả mạo chứng từ, tham nhũng, rút ruột ngân sách và đề nghị thanh tra công tác tài chính kế toán của Ban QLDA. Và cũng nhờ có kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng mà mọi việc mới được sáng tỏ, tôi mới được minh oan. Còn Giám đốc thì bị nhận Quyết định kỷ luật và điều đi nơi khác.

Vào tháng 5 vừa qua, Thanh tra Bộ đã tiến hành thanh tra tại Ban QLDA về công tác quy hoạch và thực hiện ĐTXD của dự án. Đến nay đã hơn 2 tháng kể từ ngày kết thúc thanh tra, nhưng vẫn chưa có kết luận thanh tra. Và trong khoảng thời gian chờ đợi này, một loạt các sự kiện “ đáng ngờ” đã xảy ra. Điển hình là sự xáo trộn tổ chức tại Ban QLDA, với sự chuyển công tác của Q. Giám đốc Nguyễn Văn Dần để Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh kiêm nhiệm làm Giám đốc ( kể từ ngày 10/7); sự điều động tôi đi nơi khác để Kế toán trưởng cũ của Nguyên Giám đốc Nguyễn Thành Đăng (khi còn ở Công ty CP Sông Đà 8 Sơn La) về làm Kế toán trưởng Ban QLDA ( kể từ ngày 16/7). Trong khi Dự thảo báo cáo kết quả thanh tra của Trường đoàn thanhh tra Nguyễn Thị Hồng Châu đã chỉ ra những vi phạm của Thứ trưởng Khánh và Giám đốc Nguyễn Thành Đăng, đặc biệt là trong việc thi công tuyến đường 11.

Tôi đã phải nuốt nước mắt vào trong, ngậm ngùi và cay đắng khi cầm trên tay Quyết định điều động cán bộ, viên chức của tôi. Nhưng cùng với thất vọng trong tôi lại trào dâng niềm hy vọng: Ồ, đây rồi! Sao tôi phải than thở chứ? Sao tôi không thấy đây là một cơ hội? Tôi đã được trao một bằng chứng, một nhân chứng sống để có trong tay hành trang đi tìm công lý cho tôi và cho cả những người đồng nghiệp, đồng chí của tôi và hơn hết là cho Dự án trên mảnh đất rất nhiều giá trị mà bị lãng quên.

Thật ngẫu nhiên và kỳ lạ, một cán bộ kỳ cựu trong công tác tổ chức của Bộ Xây dựng là Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Ngô Minh Mẫn lại có những sai lầm rất sơ đẳng và ấu trĩ trong quy trình điều động và nội dung của quyết định điều động tôi. Biến tôi đang là cán bộ công chức thành một lao động hợp đồng, cũng chẳng thèm che dấu sự nhẫn tâm, họ bố trí cho tôi đến làm việc tại một công ty cổ phần có trụ sở tận Tỉnh Phú Thọ, không quan tâm đến việc tôi là phụ nữ, con tôi còn nhỏ đang đi học, gia đình tôi đang sinh sống ở Hà Nội. Rồi ngay cả trong Quyết định, họ cũng tìm cách sử dụng câu chữ để làm mất danh dự, uy tín của tôi, để việc điều động như là việc xử lý đối với người không có năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ,…. Cứ như chính Vụ trưởng Vụ TCCB đã giúp tôi có trong tay những căn cứ rất xác đáng để vững tin bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình bằng cách viết Đơn khiếu nại gửi Bộ Xây dựng về quyết định điều động công tác của tôi.

Kính thưa Chủ tịch Nước!
Bây giờ thì tôi đang chờ kết quả xử lý Đơn khiếu nại. Sự việc này đã được Bộ trưởng Trình Đình Dũng chỉ đạo và giao cho Thanh tra Bộ Xây dựng giải quyết theo đúng quy định. Tôi tin rằng với những căn cứ pháp lý vô cùng chặt chẽ, chắc chắn Bộ trưởng sẽ chỉ đạo thu hồi lại quyết định điều động tôi để khôi phục lại chức danh Kế toán trưởng cho tôi.

Nhưng đối với Dự án, nếu không được giải quyết triệt để những “vấn nạn” về con người và những sự việc có liên quan thì sẽ chẳng bao giờ triển khai thực hiện được Dự án. Trách nhiệm đó không phải chỉ riêng Bộ Xây dựng mà còn có trách nhiệm rất lớn của ĐHQGHN, những sản phẩm hỏng, sản phẩm dở dang mà ĐHQGHN để lại không ai có thể kế thừa để mà làm tiếp; còn có trách nhiệm của các cán bộ lãnh đạo, thậm chí cán bộ lãnh đạo cao cấp với hàm Thứ trưởng. Trách nhiệm đó đã vượt qua thẩm quyền giải quyết của Người đứng đầu Bộ Xây dựng và rất cần được sự trợ giúp tầm cao, sự chỉ đạo của Chủ tịch Nước để các cơ quan chức năng khác vào cuộc.

Kính thưa Chủ tịch Nước!
Tôi đã đinh ninh rằng khi có Nghị quyết Trung ương 4 sẽ không một cán bộ đảng viên nào dám vi phạm. Và những bịa đặt, thi phi, trù dập và khốn khổ của cuộc đời tôi sẽ chấm dứt. Thế mà ở cơ quan của chúng tôi đây, họ vẫn ngang nhiên làm trái với Nghị quyết Trung ương 4. Đó phải chăng là một sự thách thức, sự bất chấp và coi thường kỷ cương, coi thường tổ chức đảng của chúng ta?

Để thực hiện Nghị Quyết Trung ương 4, Ban bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/06/2012 "về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp". Trong nội dung Quy định này, tôi thấy Đảng ta đã cụ thể hóa các tiêu chuẩn của người cán bộ lãnh đạo với sự đề cao ý thức trách nhiệm và đạo đức của người cộng sản. Đó là kim chỉ nam dẫn đường, chỉ lối để cán bộ Lãnh đạo của chúng ta đi đúng và làm đúng; đồng thời như lời hiệu triệu, kêu gọi, khuyến khích, động viên chúng ta biết thẳng thắn đấu tranh để đẩy lùi cái xấu, biết bao bọc, che chở và bảo vệ đồng nghiệp, đồng chí của chúng ta. Một bản Quy định thấm nhuần đạo nghĩa làm người:

“Có tình đồng chí, thương yêu lẫn nhau; thẳng thắn đấu tranh bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người tốt; kiên quyết đấu tranh chống những biểu hiện lợi dụng phê bình với động cơ xấu…;Làm việc có nguyên tắc, kỷ cương, có lý, có tình; không lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi giải quyết công việc;….; Kiên quyết chống tư tưởng cục bộ, bè phái và các biểu hiện cơ hội, thực dụng vì lợi ích cá nhân, "lợi ích nhóm"...; Chân thành giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp trong công tác và trong cuộc sống; bảo vệ uy tín, danh dự chính đáng của đồng chí, đồng nghiệp; không tranh công, đổ lỗi, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, khuyết điểm cho người khác.”

Chúng ta đã nhìn thấy những nguy cơ dẫn đến sự tồn vong của chế độ. Chúng ta đã được đặt trong tình huống cấp bách, tình huống phải hành động để lấy lại niềm tin của nhân dân, lấy lại niềm tin của ngay chính các đảng viên của chúng ta.

Sự việc xoay xung quanh công tác tổ chức nhân sự tại Ban QLDA Bộ Xây dựng và việc triển khai thực hiện dự án ĐTXD ĐHQGHN tại Hòa Lạc, hội tụ rất đầy đủ các khiếm khuyết mà Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ ra: một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...

Một sự việc đầy đủ các góc cạnh để làm điển hình, làm gương theo Nghị quyết Trung ương 4.

Kính thưa Chủ tịch Nước!
Trái tim tôi không thể vô cảm với nỗi khắc khoải của mảnh đất này. Mảnh đất    đã làm nên “ huyền thoại” với kỳ tích: hầu như còn nguyên vẹn hình hài sau 17 năm  được giao để quy hoạch Dự án ( 1995), và sau 10 năm kể từ ngày thành lập Ban QLDA để triển khai Dự án ( 2002), tiêu tốn rất nhiều tiền của của nhân dân mà kết quả nhận được không tương xứng.

Tôi cũng không thể vô cảm với một Dự án to đến thế, lớn đến đến thế, quan trọng đến thế, ở gần Trung tâm Hà Nội đến thế,… mà lại bị lãng quên.

Còn tôi, tôi cũng đang đi tìm công lý, đang làm tất cả để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, nhưng đó không chỉ là cho riêng cá nhân tôi, nó còn là sự thẳng thắn đấu tranh bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người tốt, là trách nhiệm của một đảng viên theo tiếng gọi của Nghị quyết Trung ương 4.

Và khi tôi tìm đến Chủ tịch Nước mang theo một câu chuyện nhiều nỗi buồn và nước mắt là tôi biết rằng công lý sẽ được thực thi.

Nhất định chúng tôi sẽ được trở về nơi miền đất khắc nghiệt và thân thương ấy. Nơi đang đón chờ chúng tôi với một Dự án tương lai, một ý tưởng hoàn toàn mới không đi vào vết xe đổ trước đó và mở ra một hướng đi đúng đắn cho Dự án.

Và trong lần trở về này, nhất định chúng tôi còn được mang theo sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Nước với một Dự án tầm cỡ quốc gia, sẽ làm thay đổi diện mạo của Thủ đô Hà Nội, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Tôi xin kính chúc Chủ tịch Nước luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

TB: Tôi sẽ đợi và tin rằng vào một ngày gần nhất, chúng tôi sẽ được đón Chủ tịch Nước đặt chân đến mảnh đất kỳ diệu này để một trang sử mới của Hà Nội và đất nước Việt Nam được mở ra trong thời kỳ đổi mới và xây dựng đất nước.


Hà Nội ngày 6 tháng 8 năm 2012
KÍNH THƯ
Đỗ Thị Anh Thư
  
Ghi chú: Có một điều đặc biệt, tôi không biết có phải vì bức thư này không mà ngày 20/9/2012 Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đã đến thăm dự án. Chỉ tiếc là khi đó, sự việc của tôi chưa được giải quyết và không ai thông báo cho tôi được có mặt trong ngày đón tiếp Chủ tịch.




























2 nhận xét:

  1. Đọc bài của bạn tôi hiểu ra rằng chúng ta đang sống trong một thế giới đầy rẫy những chông gai phức tạp
    những mưu mô toan tính cho lợi ích cá nhân, Buồn cho thế thái nhân tình... tôi hoàn toàn ủng hộ bạn
    và mong cho những điều tốt đẹp từ nghị quyết TƯ lan tỏa nhưng tôi thấy chưa rõ nét nạn tham nhũng còn đầy rẫy bệnh học tập tràn lan, " Em ơi nhớ lấy câu này. Ban đêm quan học ban ngày quan tham"
    Anh Thư mến mấy hôm bạn vào trang thơ Gió để giải tỏa tâm hồn Mình cứ ngỡ bạn là một nàng thơ bay bướm vui đùa hoa lạ. bây giờ mình đọc lá thư này mới hiểu được con người thậtcủa bạn và mình cũng chung đường cùng bạn đáu tranh không mệt mỏi cho sự trong sáng của xã hội đang còn nhiều cay đắng.. Chúc Anh Thư ( Mây Hồng) luôn khỏe hạnh phúc và thành công.

    07-5-2913 NKB

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mây Hồng cảm ơn anh. Nhưng đây chỉ là bức thư mà Mây Hồng đăng lại của người thật viẹc thật là chị Anh Thư ngoài đời.
      Còn về Mây Hồng nếu anh đọc hét các bài viết của chính MH trong Blog này anh sẽ hiểu.
      Mây Hồng yêu cái đẹp, khao khát tình yêu đôi lứa, tình yêu hạnh phúc, được thể hiện trong Blog DUYÊN CỦA TRỜI, VƯỜN XUÂN HỒNG
      Mây Hồng yêu đất nước và con người Việt Nam và yêu sự minh bạch, vì dân, vì nước. Mây Hồng có làm gì thì cũng trên cơ sở một tình yêu thánh thiện này, được thể hiện trên các Blog TỎ MẶT ANH THƯ, TINMN Ở HOA HỒNG.
      Mây Hồng muốn động viên khơi dạy sức trẻ, ý thức, trách nhiệm hướng tới sự chia sẻ cộng đồng và thương yêu nhau được thể hiênj trong Blog MÂY HỒNG- ANH THƯ NƯỚC VIỆT.
      Còn tâm huyết và hành động của Mây Hồng được thể hiện trên trang CỘNG ĐỒNG ANH THƯ NƯỚC VIẸT.
      Tất cả những nội dung này nếu anh quan tâm thì anh vào phần giới thiệu bản thân trên trang của Mây Hồng sẽ có đường link.

      Đó cũng chính là lý do mà MH đã khẳng khái lên tiếng, MH rất ghét sự đó kỵ, hẹp hòi, ghen tỵ, nhất là sự tỵ nạnh ghen ghét của đàn bà, vì nó sẽ keó lùi chúng ta la lại mà không tiến bộ được. MH làm vậy để giúp các em còn trẻ nhận ra vấn đề thôi chứ k giận và để bụng đâu anh ạ.

      Mây Hồng rất cảm ơn anh. Và mong anh luôn theo dõi và ủng hộ Mây Hồng.

      Mây Hồng nghĩ cách yêu nước của chúng ta là phải lên án và đấu tranh với cái xấu. Vì nó là đạo đức là tư cách, nó sẽ như con sâu làm băng hoại cái xã hội này. Chưa cần biết là chế độ nào, ai lãnh đạo. Chỉ cần chúng ta góp sức để bức thư và những thông tin này đến tay người có trách nhiệm thì họ phải giải quyết đúng không anh? Một cái sai lù lù gay trước mắt mà nhắm mắt làm ngơ như thế này, sự thật lộ thiên thì không ai bưng bít được hết.

      Xóa